Cách mình học những thứ bản thân không thích nhưng lại quan trọng và cần thiết (Phần 1)
và cách để việc học trở nên "dễ chịu" và vui hơn :))
Mình là một đứa tò mò về (gần như) mọi thứ, và cũng chính vì thế nên mình thường có những “cú chuyển mình” và những lựa chọn đi vào lòng đất (ở thời điểm nó được đưa ra) khiến bố mẹ, bạn bè, người quen sốc nặng.
Hồi lớp 6, mình là học sinh cưng của cô giáo dạy Văn. Bài viết của mình được chọn đi thi UPU cấp tỉnh. Mình quyết định không thi đội tuyển văn, và nhảy qua đội tuyển toán, vì thấy đội tuyển này ngầu hơn =)).
Cuối lớp 8, sau khi học đội tuyển toán 2 năm, mình nghỉ ngang mà không thông báo với bố (bố mình cực kì muốn mình thi chuyên Toán), vì muốn tập trung vào Vật lý (vì mình muốn làm kĩ sư NASA 😂). Mình cũng nghỉ luôn lớp học thêm của cô giáo dạy toán mà mình đã học được 2 năm. Bố mình sốc nặng và không nói chuyện với mình hẳn một tuần.
Đầu lớp 10, mình bỏ việc học để đi làm hoạt động ngoại khóa (sau khi nhận ra mình đã bỏ lỡ những gì khi chỉ học suốt 9 năm trước đó). 2 tiếng trước khi thi toán cuối kỳ (xếp số báo danh toàn trường ABC), mình mới dậy sớm học thuộc công thức và lon ton đi thi =))). Bố mẹ mình cũng vẫn sốc, nhưng không còn bất ngờ nữa =))).
Cuối lớp 11, mình chính thức nghỉ ngang chuyên Lý, chuyển qua trường IB đi học. Ngoài môn Toán nâng cao, mình chọn toàn môn lạ lùng mà mình chưa bao giờ được thật sự học bao giờ: Khoa học Máy tính, Chính trị toàn cầu, Văn học và Ngôn ngữ Anh - nâng cao, Kịch nghệ Sân khấu & Tiếng Tây Ban Nha - cơ bản.
Tổ hợp này thiên hẳn về Khoa học Xã hội và nghệ thuật, và việc này khiến nhiều người bạn ở Việt Nam của mình đặt câu hỏi là tại sao vậy Minh Ngọc (?!) =))). Chính mình cũng thấy mình hơi liều khi dám chọn mấy môn lạ lùng như vậy, nhưng vì lúc đấy tò mò quá nên mình cũng thử xem thế nào. Và cuối cùng đúng là mình cũng đã khổ sổ vật vờ thật, đặc biệt trong mấy tuần đầu =)))). Thậm chí bài kiểm tra KHMT đầu của mình còn nhận điểm redo, tức là sai ở những chỗ đáng quan ngại tới mức thầy còn không dám để mình được 0 và cứ thế là qua =)).
Tới đại học, sau khi nhận điểm IB khá ổn với tổ hợp các môn thiên hướng xã hội cùng bộ hồ sơ hoạt động xã hội dày đặc, mình lại quay ngoắt 180 độ chọn chuyên ngành Khoa học Dữ liệu (với khoảng ~ 10 - 15 lớp toán (cao cấp) - những kiến thức mà đến giờ đã rơi rớt gần hết sau 2 năm đi học IB). Mình làm nghiên cứu với dữ liệu về môi trường, về chim, về sinh thái học, những thứ mình có 0 kiến thức về nghĩa đen :)).
Sự tò mò ban đầu đúng là khiến mình hứng thú thật. Nhưng khi bắt đầu học nghiêm chỉnh tử tế về bất cứ thứ gì mới, mình cũng siêu chật vật.
Và vì chật vật nên mình lại hết thích những cái mình cần học =)).
Vậy mình đã làm thế nào để học được những thứ mình không thích (nhưng lại quan trọng và cần thiết), và khiến việc học trở nên dễ chịu (thậm chí còn vui hơn)?
Nếu bạn cũng tò mò, thì xin mời bạn đọc bài tiếp nhé - để có được những đúc kết của một học sinh cứ vài tháng/năm lại chật vật học mới nhiều thứ từ đầu là mình hehe.
1. Mô hình 5 Why
Cơ chế của mô hình này đơn giản là bạn hỏi bản thân ít nhất 5 lần Tại sao khi bắt đầu học/làm việc một thứ gì đó khó, hoặc bạn không thích.
Mục đích của mô hình này không phải để giảm đi nỗi đau khi phải học/làm những task này, mà là để bạn tìm ra động lực khiến bạn đang làm những điều này là gì.
Sau khi tìm được “động lực” rồi, hãy đặt câu hỏi xem tại sao “động lực” này lại khiến bạn “đau đớn” và chán ghét task/việc học.
Liệu sự đau đớn, chật vật, khó văn, và khổ sở này có xứng đáng để bạn tiếp tục học/làm những task này hay không?
Nếu cân đo lên xuống rồi mà vẫn thấy không xứng đáng, thì thôi mình bỏ. Chi phí cơ hội bỏ ra cho những thứ không quan trọng là rất cao, và nhiều khi bỏ sớm còn tốt hơn =))) (mọi người có thể đọc thêm bài anh Khương Minh đã viết về chủ đề này ở đây).
Nếu xứng đáng (vì đây là môn học nền tảng của chuyên ngành của bạn - và mình giả định rằng bạn thật sự muốn theo đuổi chuyên ngành này lâu dài), thì mô hình này giúp bạn nhận ra được điểm mà bạn đang yếu, thứ khiến bạn đang chật vật, để bạn còn có giải pháp sớm khắc phục tình hình.
2. Mục đích/tiêu của bạn khi học và làm những thứ này là gì?
Biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng.
Bạn cần xác định xem bạn đang học và làm những thứ này với mục đích/mục tiêu gì.
Trong bối cảnh trường lớp và công việc, mình sẽ chia chung ra làm 3 dạng như sau:
1. Học cho qua môn, cho xong (để GPA ok)
2. Học được một cái gì đó thật sự từ môn học/task, điểm/kết quả thế nào cũng được
3. Học được thật (nhiều) thứ, nhưng điểm phải tốt cơ =))
Với mục đích (1), hãy nghiên cứu thật kỹ về cơ cấu điểm của môn học và đưa ra các cách để tối đa các phần điểm chiếm phần trăm cao. Tập trung vào những task quan trọng này, nếu còn thời gian thì làm những task còn lại, không còn thời gian thì skip. Có thể không hiểu tận gốc mọi thứ của bài học, và cũng không áp dụng được nhiều lắm trong thực tế, nhưng bạn có thể chấp nhận việc này để đạt mức điểm qua môn. Bạn có thể tham khảo cách học ít điểm cao của anh Tim Vũ (disclaimer: mình không có ý chỉ cách học của anh ấy là để qua môn cho xong nhé =))
Với mục đích (2), bạn có thể thoải mái chìm đắm vào những gì khiến bạn tò mò trong môn học. Nghĩa là trong thời gian đi office hour hỏi chuyện giáo sư, học cùng bạn bè, hoặc tự học, hãy dành ưu tiên cho những gì khiến bạn thật sự tò mò (chứ không phải những phần giáo sư nhấn mạnh sẽ có trong bài thi). Đánh đổi có thể là điểm thi của bạn =)) nếu bạn không may mắn.
Với mục đích (3), hãy cân bằng giữa cách làm của (1) và (2), để phân chia ưu tiên về thời gian và năng lượng (2 nguồn lực có giới hạn của bạn) cho hợp lý. Nếu may mắn vào một lớp tốt với giáo sư tốt và giáo trình phù hợp đúng sự yêu thích của bạn thì bạn có thể làm như chiến lược của (2) luôn.
3. Tin rằng mọi thứ bạn đang học & làm đều có ý nghĩa và sự thú vị (ít nhất đối với ai đó ngoài kia)
Bước này chỉ nên đến sau khi bạn xác định việc học/làm những thứ chíu khọ đấy là cực kì quan trọng, cần thiết, và xứng đáng đánh đổi bằng sự đau đớn của bạn. Nhớ nhé!
Trong cuốn sách Learn Better (tổng hợp những nghiên cứu và lời khuyên cơ bản cho những người (lớn) học trọn đời), bác Ulrich Boser có viết rằng mọi người sẽ thường có xu hướng thích & hứng thú với việc làm những gì mà bản thân đã biết/hiểu/giỏi.
Mình cũng tin vào việc này sau khi chiêm nghiệm từ hành trình của bản thân.
Khi sự tò mò còn mới tinh, mình cực thích học.
Khi mọi thứ bắt đầu khó hơn, mình bắt đầu nản. Và với toán cao cấp hoặc các mô hình kinh tế vi mô vĩ mô (với tích phân trong đấy) thì là nản cực kì nản luôn ấy =)))
Vì những mô hình vừa mới rất mới với mình, lại vừa khó rất khó.
Nhưng những khi trải qua sự khó khăn này, mình luôn tự nhủ rằng những thứ này chắc chắn có một ý nghĩa và sự thú vị nào đó (ít nhất là đối với một ai đó ẩn danh ngoài kia), nên mình mới cần phải học chúng bây giờ, dù hiện tại mình chưa hiểu tại sao nó lại ý nghĩa và thú vị =))
Ở trong môi trường của một trường đại học nghiên cứu (research school), mình cảm nhận được tình yêu, sự tò mò, và nhiệt huyết này thật sự rõ ràng từ các giáo sư - những người đã và sẽ dành cả đời để học và mày mò tiếp những concept này.
Nên những lúc vật vờ muốn bỏ cuộc, mình lại nghĩ rằng mình chỉ cần cố đi thêm một xíu nữa là sẽ hiểu được ti tí tì ti lý do của việc các giáo sư của mình dám dành cả đời mình cho cái concept khó chịu này =)))
Khi hẹn hò, mình không nên bỏ qua một người khi chưa nói chuyện đủ sâu với người đó và hiểu người đó đúng hong =))?
Thì bây giờ bạn hãy cho môn học và việc bạn cần làm một cơ hội, hay benefit of the doubt!
Mình đã học say mê môn toán hơn rất nhiều sau khi hiểu rằng những hàm, những công thức, và định lý cực khó đều có vai trò cực kì quan trọng trong nền khoa học hiện đại. Mình thấy nó khó chịu vì mình chưa học đủ để thấy được bức tranh lớn như các thầy cô của mình, những người rất có thể sẽ giải thích được cho mình khi mình đi office hour hoặc xin meeting riêng với họ. Và vì mình say mê khoa học, nên mình chấp nhận sự đau đớn hiện tại để đổi lấy khả năng hiểu được sâu sắc những thứ hay ho thú vị (đối với mình là AI, học máy, và ứng dụng của chúng trong khoa học xã hội, tự nhiên) trong tương lai.
Hãy đón chờ phần 2 vào ngày mai để đọc tiếp bạn nhé =)))!
Để nhận được bài viết của mình sớm hơn trên Fanpage & nhận văn hóa phẩm của Audrey hàng tuần (chuyên mục không có trên Facebook), bạn hãy theo dõi Newsletter của mình nhé! Sau khi subscribe, mọi người hãy thêm mình vào Contacts trên Gmail để email của mình không rơi vào thùng Spam nha ^^. Tại đây 🥰🥰:
Cảm ơn và iu bạn rất nhiều <3
Bài viết thuộc thử thách viết 30 ngày của khóa học Writing On The Net.